Quản lý nguồn nước để bảo tồn đa dạng sinh học
Bản tin công ty môi trường - ngày 22/5, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức lễ míttinh hưởng ứng ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5).
Với chủ đề “Đa dạng sinh học và nước,” cùng với các nước trên thế giới, Việt Nam đã triển khai những hoạt động thiết thực, nhằm đề cao vai trò quan trọng của đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ míttinh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, cho biết suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là nguồn nước đang là thách thức lớn đối với các loài động vật và thực vật ở Việt Nam.
“Sở dĩ, ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay có chủ đề là đa dạng sinh học và nước, bởi nước đóng vai trò thiết yếu đối với sự sống của các hệ, loài động-thực vật trên trái đất, nhưng hiện nay nguồn nước tại nhiều địa phương đang dần bị cạn kiệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các loài đa dạng sinh học suy giảm ở mức báo động,” Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đánh giá.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2012, diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng (3-7 tầng) bị giảm sút trầm trọng, chỉ còn 0,57 triệu ha, chủ yếu tập trung ở các khu rừng phòng hộ và trong các khu bảo tồn.
Đối với hệ sinh thái biển, kết quả điều tra từ năm 2004-2007 cho thấy hiện chỉ có 14,4% diện tích rặng san hô phát triển tốt, còn 44,9 % đang ở trong tình trạng xấu và rất xấu; diện tích thảm cỏ biển cũng giảm xuống 40-60%, đặc biệt là ở các khu vực miền Trung và Nam Bộ.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng suy giảm các loài động vật quý hiếm, do tình trạng săn bắn và buôn bán động vật trái phép trong những năm qua.
Ngoài ra, Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cũng cho thấy, nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp thì đến năm 2010, con số này đã lên tới 47. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức báo động tại Việt Nam như hạc cổ trắng, voọc, cu li…
“Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng cũng có nhiều loài đứng bên bờ vực tuyệt chủng đang cần sự quan tâm và bảo vệ,” Thứ trưởng Tuyến nhấn mạnh.
Cũng tại lễ míttinh, Tổng cục Môi trường đã tổ chức trao giải cuộc thi ảnh về bảo tồn đa dạng sinh học, trao giải cuộc thi biểu trưng (logo) về đa dạng sinh học Việt Nam đồng thời phát động hoạt động đạp xe hưởng ứng về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là những hoat động thiết thực, khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tác phẩm đoạt giải được lựa chọn từ 352 tác phẩm của 140 tác giả trên cả nước kể từ tháng 3/2013 đến ngày 30/4/2013.
Trong đó, 1 giải nhất về nhiếp ảnh, 1 giải nhất về logo; 4 giải nhì nhiếp ảnh và logo, 2 giải ba nhiếp ảnh và 4 giải khuyến khích.
Hai giải nhất gồm các tác phẩm: “Tình mẫu tử” (giải nhiếp ảnh) của tác giả Lê Minh Ngọc đến từ tỉnh Bình Thuận, “Đa dạng sinh học Việt Nam” (giải logo) tác giả Phạm Tam đến từ thành phố Hồ Chí Minh; giải nhì gồm các tác phẩm “Dưới tán rừng tràm” và “Ruộng bậc thang” (giải nhiếp ảnh) của hai tác giả đến từ Cà Mau và Yên Bái…
Ngay sau khi lễ míttinh kết thúc, Cục bảo tồn đa dạng sinh học cũng tổ chức buổi tọa đàm với nội dung về các sáng kiến mới về bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là cơ hội để các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận và chia sẻ về một số sáng kiến mới nhằm tăng cường các giải pháp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Theo bản tin trích dẫn của công ty tư vấn môi trường -  Theo Hùng Võ/VietnamPlus, 22/05/2013

0 nhận xét: